Chào mừng bạn đến với chúng tôi

Đây là địa chỉ chính thức quảng bá và giới thiệu chỉ dẫn địa lý cho đặc sản Vịt Cổ Lũng, Bá Thước, Thanh Hóa.

Vịt Cổ Lũng - Bá Thước

Quà tặng của thiên nhiên dành tặng cho Cổ Lũng!

Liên hệ ngay

Vui lòng liên hệ với chúng tôi để cùng hợp tác

CHẤT LƯỢNG

Vịt Cổ Lũng - Bá Thước luôn đảm bảo chất lượng vượt trội và uy tín trên thị trường.

NHANH CHÓNG

Các hệ thống phân phối chính thức trên cả nước giúp thuận tiện trong bán buôn và bán lẻ.

XUẤT KHẨU

Sản phẩm sẵn sàng để cung cấp cho các thị trường ngoài nước. Liên hệ ngay để được trợ giúp.

Thông tin

Bài mới

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Vịt Cổ Lũng - Bá Thước

Vịt Cổ Lũng có đặc điểm cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc... 
 Ông cha xưa đã định danh: “Chim gà, cá nhệch”. Ngon nhất của loài chim là gà, ngon nhất loài cá là nhệch- định danh chắc như đinh đóng cột mà không hay rằng con vịt cùng anh em họ hàng với gà luôn tỵ nạnh, thèm muốn một lần đổi ngôi. Ghen tỵ có lý khi thiên hạ bỏ cả tiền chục, bạc trăm để được ăn vịt quay Bắc Kinh, vịt nướng Vân Đình, vịt quay Trạc Nhật, cháo vịt cỏ Hà Trung. Ấy là chưa nói tới việc vượt đèo cao vực thẳm, sông sâu lên chòm trên bản xa của Bá Thước để ăn thịt vịt Cổ Lũng. Chốn sơn lâm độc đáo vẫn “ Hữu khách tầm” là lời cổ nhân- lời mới tân nhân khi đã giao thương hòa nhập, miền núi như Bá Thước đâu còn là xa ngái khi đường đã rải thảm xe chạy bon bon, lại có bạn hiền và lời mời của thiếu nữ sơn cước. Bỏ sao đành! Cổ Lũng là một xã thuộc khu Quốc Thành huyện Bá Thước- một huyện vùng cao Miền Tây Thanh Hóa. Vịt Cổ Lũng là giống vịt quý hiếm, con giống di truyền có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển. Hiện Vịt Cổ Lũng được nuôi nhiều ở Lũng Cao, Cổ Lũng và Lũng Niêm và là loại được ưa dùng, không cần loa đài ầm ĩ, chẳng biết đến quảng cáo truyền thông vẫn có rất nhiều khách hàng đánh giá là loại có chất lượng thịt ngon nhất, hấp dẫn, khó bỏ hiếm tìm, đến nỗi các xã cận kề như Thành Sơn, Thành Lâm cũng nuôi nhưng không được nhiều.
Vịt Cổ Lũng có đặc điểm cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc, ưa môi trường sạch, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, có khả năng kháng bệnh tốt, xương nhỏ, thịt nhiều nạc, thơm ngon khó loại vịt nào ở đâu sánh bằng. Vịt Cổ Lũng được tiếng thơm ngon, không ngậy và hôi như các loài vịt được nuôi ở các vùng khác, một lý do quyết định là cách thức chăn nuôi đặc biệt, vịt được thả tự nhiên chứ không nuôi nhốt. Dân bản địa nói vui là kiểu : “Trời nuôi”. Vịt chủ yếu được chăn nuôi ở dòng suối Nũa. Dòng suối trong xanh chảy xuyên qua núi từ Mai Châu Hòa Bình sang Kịt Toong Hoong của Bá Thước, chảy vòng vèo qua các xã Lũng Cao, Lũng Niêm và Cổ Lũng. Con suối này nước vừa trong lại chảy xuôi liên tục và rất nhiều ốc cũng như các loại vi sinh, loài vịt Cổ Lũng thường bơi ngược dòng để đón cá con, bắt ốc nên thịt nhiều nạc lại săn chắc, thơm ngon vị thanh khiết. Con vịt nếu “đói lòng” muốn đổi vị có ăn thêm cũng chỉ ăn thức ăn phụ phẩm của họ làm ra như lúa, ngô, sắn chứ không ăn thức ăn công nghiệp. Đã là giống vịt thuần chủng lại được bà con chăm chắm giữ gìn nên vịt Cổ Lũng mãi giữ được tiếng thơm ngon hấp dẫn. Vịt Cổ Lũng có tiếng còn do cách chế biến của đồng bào nơi đây. Vịt được chọn thết khách là vịt tơ, thân mỡ màu. Bà con không cắt tiết mà đập đầu cho vịt chết nhanh rồi làm lông bằng nước nóng. Con vịt ngon ngay khi làm lông đã biết một phần, bởi khi làm lông vịt rất dễ nhổ, da khô bóng, mình căng tròn. Trước khi mổ được đem rửa bằng nước muối ấm có pha gừng cho kỳ sạch. Đem treo cho kỳ khô mới đem quay. Món vịt quay có hạng mang hương vị riêng hấp dẫn là nhờ bà con sau khi mổ moi ruột đã nhồi đầy bụng vịt thứ lá và quả mắc mật tươi và các gia vị muối, đường, ngũ vị hương rồi khâu kỹ lại đem nướng trên lửa than hoa đỏ rực. Con vịt nướng xoay tròn đều nhờ thanh trúc khéo léo xuyên dọc thân. Hương và vị lá mắc mật theo thời gian ngấm đều vào từng thớ thịt, từ trong ra ngoài, dậy hương, nức mũi. Thịt vịt chín da nâu đỏ mờ màu, thịt ngọt lịm, ý vị nhất là mùi thơm quyến rũ riêng có của hương mắc mật. Thật khó kìm được nỗi khát thèm khi mùi vịt nướng tỏa thơm. Thứ muối chấm được bà con khéo léo nêm từ gan vịt nghiền nhỏ cộng muối và hạt mắc khén đã được giã nhỏ. Ai dám bảo rằng kém vịt quay Bắc Kinh. Nếu thấy đã đời cũng đừng vì Vịt Cổ Lũng mà phụ vịt nơi khác như kẻ có cơm ngon phụ ngô khoai. 
Hồng Nhật 
Nguồn: http://toquoc.vn/vit-co-lung-ba-thuoc-99128816.htm

Nuôi vịt Cổ Lũng hiệu quả kinh tế cao

Xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có khoảng 125ha đất sản xuất lúa nước, nhưng do điều kiện khắc nghiệt, nên bà con chỉ canh tác được một vụ. Do vậy, việc tìm kế sách giúp bà con giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống thời gian qua được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm
Ông Hà Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm cho biết, trong những giải pháp phát triển kinh tế hộ, địa phương rất chú ý đến cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương. Trong đó, giống vịt Cổ Lũng (còn gọi là vịt Mường khoòng) được người dân trong vùng ưa tiêu dùng. Bởi giống vịt này có đặc điểm xương nhỏ, thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm rất được nhiều người ưa chuộng nên đầu ra và giá bán luôn có lãi cao. 

 Vịt Cổ Lũng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con thoát nghèo.
 “Thu nhập từ giống vịt này đã giúp nhiều hộ nghèo giải quyết trình trạng đói mỗi mùa giáp hạt do vậy, nhiều hộ đồng bào trong xã, trong huyện đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng để xóa đói giảm ghèo”, ông Luyến cho hay. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Bá Thước, việc nuôi vịt Cổ Lũng trong các hộ dân còn nhỏ lẻ, kỹ thuật hạn chế và lai tạo nhiều khiến loài vịt này đang dần mất đi nguồn gen. Để duy trì được giống tốt, trở thành vật nuôi có giá trị kinh tế ổn định, năm 2012, huyện Bá Thước đã xây dựng và triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ để phục hồi và phát triển vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước”. Mục tiêu của dự án, giúp người dân biết cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, hạn chế dịch bệnh. 
Bước đầu, Ban quản lý dự án của huyện đã chọn ra được 67 hộ dân ở các xã Lũng Niêm, Cổ Lũng để tham gia mô hình, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 120 vịt con để chăn nuôi. Ngoài ra, Dự án còn trang bị máy ấp, máy nở, máy phát điện dự phòng cho nhóm hộ quản lý, vận hành máy ấp trứng; các hộ dân tham gia được thực hiện theo sự chỉ dẫn của cán bộ dự án. Chỉ sau hai năm triển khai dự án, đã có rất nhiều hộ thực hiện thành công theo mô hình, một số hộ đã vươn lên làm giàu, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ anh Hà Văn Hoành, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm. 

Anh Hà Văn Hoành, xã Lũng Niêm theo dõi, kiểm tra máy ấp trứng vịt Cổ Lũng. 
Anh Hoành cho biết, từ khi có dự án tài trợ, mỗi năm đàn vịt đã cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây là một thành công ngoài sự mong đợi của những hộ nghèo và con vịt đã thực sự giúp mình và bà con trong xã thoát nghèo. Từ thành công đó, anh Hoành đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã chăn nuôi vịt Cổ Lũng, chuyên cấp trứng vịt giống tốt cho người dân nuôi. Khi vịt lớn, anh thu mua lại của người dân để bán ra thị trường. Hiện anh đang sở hữu 2 máy ấp trứng vịt có công suất 5.000 trứng/máy với thu nhập hằng năm đạt khoảng 300 triệu đồng. Cùng tham gia dự án có ông Hà Trọng Quỳnh, thôn Lọng, xã Cổ Lũng hiện đang nuôi khoảng 200 con vịt đẻ trứng và chuyên bán cho các đơn vị trong, ngoài tỉnh, đem lại mức thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm. Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước, Trưởng Ban dự án cho biết: Sau khi 67 hộ tham gia dự án tổ chức thành công mô hình nuôi vịt, có thu nhập ổn định, nên nhiều hộ nông dân trong vùng đã chủ động lựa chọn vịt Cổ Lũng là vật nuôi. Từ những tín hiệu khả quan về lựa chọn giống vật nuôi hiệu quả, cải thiện nguồn thu, huyện đã triển khai nhân rộng mô hình trên toàn huyện. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các xã hướng dẫn từng hộ dân thực hiện đúng các quy trình nuôi để phát triển nhanh số lượng vịt, phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng và bảo tồn được con giống. Huyện Bá Thước đã có chủ trương thực hiện thêm 2 đề tài, dự án mới gồm: Quản lý và phát triển nguồn gen vịt Cổ Lũng và Xây dựng quản lý, chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng; đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm công nhận thương hiệu cho vịt Cổ Lũng. 
QUỲNH TRÂM 
 Nguồn: https://baodantoc.vn/nuoi-vit-co-lung-hieu-qua-kinh-te-cao-8736.htm

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Nuôi loài vịt đẹp mã trước dùng tiến vua, trai núi rừng kiếm bộn tiền

Đưa vịt Cổ Lũng-1 giống vịt bản địa quý hiếm trước dùng để “tiến vua” xuống dòng suối mát trong để nuôi, mỗi năm Lục Văn Nam (Sn 1985, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đút túi vài trăm triệu đồng.

Đến bản Khuyn, hỏi thăm "Nam vịt" thì ai cũng biết. Lục Văn Nam là một trong những gương sáng điển hình về làm kinh tế ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Sinh ra ở vùng quê nghèo vùng cao xứ Thanh, Nam  may mắn hơn đám bạn cùng trang lứa, học hết cấp 3, anh thi đậu vào trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa.

Lục Văn Nam (bản Khuyn, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) thành công nhờ mô hình nuôi giống vịt Cổ Lũng dưới suối

 Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, thay vì làm cho những công ty, trang trại lớn, Nam quyết định khởi nghiệp ngay chính trên quê hương mình.

 Vốn là vùng đất xưa nay "nức tiếng" với món vịt Cổ Lũng thơm ngon, đặc sản một thời "tiến vua", người dân vùng đồng bào thiểu số nơi đây gần như nhà ai cũng nuôi giống vịt quý hiếm này.

Nhận thấy đây là một lợi thế, tận dụng bờ suối Khanh trước nhà, Nam mạnh dạn thay đổi cách nuôi vịt theo hướng mới. Anh quyết định dựng lều nuôi thả hàng trăm con vịt Cổ Lũng bên dưới suối. Nói là làm, xuất phát điểm với 40 triệu đồng vay mượn từ người thân, anh bắt đầu cơ nghiệp nuôi vịt "tiến vua"

 Chàng trai 8X Lục Văn Nam đang chăm sóc đàn vịt đặc sản Cổ Lũng nuôi bên dòng suối...


Để tìm vịt giống Cổ Lũng thuần chủng, Nam đi khắp các bản làng xa xôi để tìm, chọn rồi mua những con vịt tốt nhất về để làm giống. Sau khi có vịt giống, Nam dựng lều trại ngay bên bờ suối, tối ngày "ăn ngủ" cùng đàn vịt quý để chăm sóc và theo dõi. 

Những ngày đầu, thấy Nam dựng lán rồi ra bờ suối nằm trông lũ vịt khiến nhiều người rèm pha nói Nam là "gã khùng". Thế nhưng, lứa vịt đầu tay của Nam lớn nhanh như thổi, đẻ trứng đều đặn khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Từ 50 con vịt Cổ Lũng dòng bố mẹ, sau nhiều năm phát triển, hiện Nam sở hữu cho riêng mình một đàn vịt đặc sản hơn 1.000 con. Mỗi ngày, vịt mái tại trang trại đẻ đều đặn. Trứng vịt Cổ Lũng nuôi ở suối quả to, đều nên dễ bán hơn nhiều so với trứng vịt thông thường.

 
Với nhiều ưu điểm , vịt đặc sản Cổ Lũng của vùng cao Bá Thước có mã đẹp, nhất là con vịt trống, chất lượng thịt, chất lượng trứng thơm ngon.

 "Ở đây, vịt Cổ Lũng gần như ai cũng biết, nhưng cách nuôi thì lại với vịt thường . Ưu điểm của vịt Cổ Lũng là giống vịt này ưa sạch sẽ, sức đề kháng cao. Nếu nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên trên ruộng bậc thang, nuôi ở sông suối thì tốc độ sinh trưởng của nó khá tốt. Trước nhà có bờ suối, đây là mấu chốt quan trọng để vịt được tự do bơi lội, nước suối mát, có thêm nguồn thức ăn tự nhiên tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho vịt lớn nhanh". Nam chia sẻ.

 Để giống vịt Cổ Lũng có thịt thơm ngon hơn Nam thường cho vịt ăn ngô, lúa...

Thành công từ việc nhân giống được vịt Cổ Lũng, Nam mạnh dạn thay đổi tư duy về cách làm kinh tế. Những năm qua, ngành du lịch ở huyện Bá Thước đang phát triển nhiều với khu du lịch Pù Luông, Nam nuôi nhiều vịt Cổ Lũng để cung cấp cho các nhà hàng, Homestay. 

Tính đến nay, mỗi ngày tại gia đình anh xuất bán đi các nhà hàng, khu du lịch từ 20 – 30 con vịt Cổ Lũng. Với giá bán mỗi con vịt Cổ Lũng là 90.000 đồng, trừ chi phí anh cũng kiếm lời từ 500.000 – 1 triệu đồng mỗi ngày.

 

Chàng trai núi rừng Lục Văn Nam thu gom những quả trứng vịt Cổ Lũng bên bờ suối.

 Ngoài vịt Cổ Lũng, anh Nam còn mạnh dạn nuôi thử nghiệm giống lợn lòi. "Khi tham quan mô hình nuôi lợn lòi ở huyện Lang Chánh, thấy giống lợn lòi dễ nuôi, tận dụng đất đồi sau nhà đang còn trống nên đã nuôi thử nghiệm. Lợn lòi mang bản tính hung dữ nhưng khi thuần rồi nó cũng rất hiền, đặc biệt đẻ rất mắn." Nam chia sẻ.

Từ việc nuôi lợn lòi, Nam kiếm thêm lợi nhuận khá tốt từ mô hình này. Với giá 140 nghìn đồng/kg lợn giống, 160 nghìn đồng/kg lợn hơi, Lục Văn Nam có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ nuôi lợn lòi.

Nam chia sẻ sẽ nhân rộng mô hình nuôi vịt Cổ Lũng, tập trung chủ yếu vào vịt thịt thương phẩm để xuất đi thị trường các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, TP. Thanh Hóa…

 Ngoài ra, anh còn thành công trong mô hình nuôi lợn lòi theo hướng tự nhiên. Mỗi năm kiếm từ 50 -60 triệu đồng.

 Ông Lương Văn Toán, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: "Mô hình của Nam là một trong những mô hình làm kinh tế tốt ở địa phương. Trong các hoạt động đoàn thể, Lục Văn Nam còn là một đoàn viên ưu tú, cần cù, chịu khó. Không chỉ thế, nhờ mô hình của anh mà bà con dân bản Khuyn cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm nuôi vịt Cổ Lũng, kinh nghiệm làm kinh tế, đây là một gương sáng để thanh niên và lớp trẻ học tập, noi theo".

Nguồn: https://danviet.vn/thanh-hoa-nuoi-loai-vit-dep-ma-truoc-dung-tien-vua-trai-nui-rung-kiem-bon-tien-20200607112327291.htm


Lão nông thoát nghèo nhờ nuôi vịt Cổ Lũng quý hiếm

Người dân ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa thường gọi ông Chu Văn Sáu với biệt danh ông Sáu "vịt". Sở dĩ có biệt danh ấy là bởi, ông là một trong những người đầu tiên của xã Cổ Lũng đi tiên phong trong việc khôi phục, gây dựng lại giống vịt Cổ Lũng- một loại thủy cầm đặc sản của huyện Bá Thước. Ông Chu Văn Sáu quê gốc ở Vĩnh Phúc. Cách đây vài chục năm, do cuộc sống của gia đình quá khó khăn, ông quyết định để vợ con ở lại quê hương, một mình vào khu vực miền núi xứ Thanh tìm cơ hội làm ăn. 
 Ban đầu, ông vào huyện Quan Hóa, làm đủ nghề, từ chặt luồng thuê, buôn luồng cho đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở lò ấp trứng vịt lộn… Khi huyện Bá Thước triển khai dự án khôi phục giống vịt Cổ Lũng, do thiếu máy móc và kinh nghiệm ấp trứng, đã nhờ ông ấp hộ hơn 400 quả trứng vịt đặc sản.
Ông Sáu tận dụng hang đá tự nhiên làm nơi nuôi vịt.
Lứa trứng ấp thành công, ông quyết định mua lại một nửa số vịt con và triển khai chăn nuôi. Nhờ mát tay, có kinh nghiệm chăn nuôi thủy cầm từ trước, nên ngay từ lứa đầu tiên, sản phẩm vịt Cổ Lũng của ông đã nhận được phản hồi rất tốt của khách hàng. Năm 2015, biết thông tin ông Chu Văn Sáu đang phát triển đàn vịt Cổ Lũng đặc sản, UBND huyện Bá Thước đã tạo điều kiện để ông chuyển địa bàn chăn nuôi từ Quan Hóa về Bá Thước. Đầu năm 2016, ông bắt đầu xây trang trại tại bản Lọng, xã Cổ Lũng; đến khoảng giữa năm thì đi vào hoạt động. Vịt Cổ Lũng là giống vịt bản địa của khu vực Quốc Thành ( gồm 5 xã: Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm), huyện Bá Thước. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, giống vịt quý này dần bị lai tạp với những loài vịt khác. Vì vậy, để tìm kiếm được giống thuần chủng, ông Sáu phải đi vào từng nhà dân, tìm những con vịt Cổ Lũng mang đặc trưng của giống vịt bản địa, rồi cho phối giống để tạo đàn. Cứ thế, quy mô đàn vịt của ông được mở rộng dần, từ vài chục lên vài trăm con. 
 Đàn vịt Cổ Lũng trong trang trại của ông Sáu
Nhu cầu của khách hàng trong và ngoài huyện ngày càng đông, số vịt thương phẩm của ông Sáu không đủ để cung cấp. Vì vậy, ông quyết định mở rộng kinh doanh bằng hình thức liên kết sản xuất. Thông qua hội nông dân xã Cổ Lũng, ông đã cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã. Với hình thức này, đàn vịt trong dân của ông lên tới hàng chục ngàn con. Trông bề ngoài, vịt Cổ Lũng có hình dáng gần giống như vịt bầu dưới xuôi. Tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ, sẽ thấy giống vịt này có khá nhiều điểm đặc trưng: Cổ rụt; chân nhỏ, ngắn; cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt… Kích thước của vịt Cổ Lũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí khá nhỏ so với các loại vịt khác. Khi được 3-4 tháng tuổi, vịt đạt trọng lượng trên 1,5kg. Ngoài 6 tháng tuổi, cân nặng của vịt trên dưới 2 kg. Nói về độ thơm ngon của vịt Cổ Lũng, ông Sáu cho biết, không phải ngẫu nhiên loài vật này lại trở thành một thứ đặc sản ẩm thực trứ danh. Vịt Cổ Lũng vốn được thả nuôi tự nhiên từ những khe suối sạch, có chứa nhiều canxi, trong điều kiện khí hậu mát mẻ của vùng núi cao. Vì vậy, thịt của chúng rất chắc, vị thanh và ngọt. Để đạt chất lượng thịt cao nhất, vịt Cổ Lũng phải được nuôi trên 6 tháng.
Toàn cảnh trang trại vịt Cổ Lũng của ông Sáu
Hiện tại, ông Chu Văn Sáu đã giảm bớt nuôi vịt thương phẩm để tập trung phát triển nguồn giống. Ông duy trì đàn vịt sinh sản khoảng 300 con và đầu tư 2 lò ấp trứng, mỗi năm xuất bán hàng chục ngàn con giống thuần chủng cho các hộ chăn nuôi. Từ mô hình chăn nuôi thành công của ông, hiện nay, xã Cổ Lũng đã có 300 hộ dân tham gia nuôi vịt, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 con vịt thương phẩm. Với loại vịt được nuôi trên 6 tháng, giá xuất bán tại gốc lên tới 90.000- 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi, gấp ba so với các loại vịt khác. Nhờ nguồn thu nhập từ vịt Cổ Lũng, đời sống kinh tế của gia đình ông Chu Văn Sáu cũng như người dân xã Cổ Lũng đã bớt khó khăn. Bản thân ông Sáu không những thoát nghèo, mà còn trở nên khấm khá. Nếu được định hướng xây dựng thương hiệu đúng đắn, vịt Cổ Lũng hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu nông sản đầy tiềm năng, góp phần tích cực làm thay đổi cuộc sống cho người dân tại các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa. 
Lam Giang Nguồn: https://etime.danviet.vn/lao-nong-thoat-ngheo-nho-nuoi-vit-co-lung-quy-hiem-20200324213107388.htm



Đưa Vịt Cổ Lũng từ thoái hóa đến thương phẩm có giá trị

Sau 4 năm tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, ThS Trương Tiến Hải – hiện là cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa – cho biết đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều.

 Phục tráng giống vịt với tỷ lệ đồng nhất 95%

 Vịt Cổ Lũng (Bá Thước – Thanh Hóa) nổi tiếng xưa nay là giống thủy cầm đặc sản bản địa. Theo mô tả của những người cao tuổi ở địa phương và các hộ nuôi, giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon.

Thạc sỹ Trương Tiến Hải tại mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình. Ảnh: Hoàng Nam

 Thế nhưng, lần đầu tiên quan sát, đo đếm các đàn vịt mà các hộ dân đang chăn nuôi tại địa phương cách đây sáu năm, ThS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trương Tiến Hải nhận thấy màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, 70% không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Qua nghiên cứu, anh đánh giá sơ bộ vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, nuôi ghép, chọn lọc.

 Vì muốn tập trung cho nghiên cứu, đầu năm 2014 anh Hải xin thôi vị trí Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, và về nhà mở trang trại.

 Bởi việc nghiên cứu hoàn toàn do cá nhân thực hiện, không nằm trong đề tài hay dự án nào thuộc nhà nước nên anh gặp không ít khó khăn. “Đầu tiên phải nói đến vốn đầu tư trang trại, vốn mua thức ăn, mua giống. Đồng lương của giáo viên thì ít ỏi, cho nên tôi phải làm rất nhiều nghề mà đến bây giờ nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao lúc đó mình làm được” – anh Hải tâm sự.

 Ban đầu, anh Hải chia toàn đàn (có tỷ lệ lai tạp trên 60%) ra làm 6 ô chuồng, mỗi ô chuồng là một đàn khác nhau về nguồn gốc, gồm 2 trống 8 mái. Sau một tháng lấy trứng, anh cho đảo trống giữa đàn nọ với đàn kia, cứ như vậy đến hết lượt. Chỉ những trứng thu trong nửa sau của tháng mới được đưa vào ấp, tránh trường hợp tinh trùng của đàn trống cũ vẫn còn trong đàn mái ban đầu. Sau đó, anh tiếp tục nuôi đàn vịt con lên 4 tháng tuổi, chọn lọc theo đặc điểm gần giống mô tả nhất, rồi lại cho lai theo phương pháp ban đầu. Cứ như vậy sau 4 năm nghiên cứu, Ths Hải đã tạo được đàn vịt sản xuất với tỷ lệ đồng nhất so với mô tả trên 95%, đồng thời có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng cũng tăng từ trung bình 1,3 kg lên 1,8 kg.

 Mở rộng ra các tỉnh khác

 Tự hào nói về kết quả của mình, anh Hải cho biết: “Trước khi được phục tráng, số vịt bị lai tạp là 100%, tổng số vịt có trong dân từ 1.000-1.500 con. Sau khi phục tráng, số vịt bị lai tạp giảm xuống còn khoảng 10%, tổng số vịt có trong dân tăng lên hơn 15.000 con. Riêng gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sở hữu đàn “ông bà” 100 con, đàn “bố mẹ” 400 con, đàn vịt thịt 1.500 con, vịt giống 1.000 con”.

 Theo anh Hải, giống vịt phục tráng chống chịu tốt với biến đổi của thời tiết, ít dịch bệnh, đặc biệt có lợi nếu tận dụng nuôi vào thời điểm sau khi gặt. Anh Hải còn nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho giống vịt này với thành phần bao gồm men vi sinh, thảo dược và một số loại ngũ cốc. Kết quả, thời gian nuôi ngắn hơn 20 ngày, hàm lượng glutamic trong thịt (hay độ ngọt của thịt) dựa trên phân tích bằng máy cho thấy cao hơn 2,5 lần so với vịt cánh trắng, trong khi tỷ lệ mỡ thấp.

 Do những ưu điểm nêu trên, giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt và hiện đã có hai huyện Bá Thước và Hoằng Hóa chủ động được giống.

 “Một số đơn vị ở các tỉnh ngoài cũng đã đặt hàng tôi, đó là Yên Bái, Hà Nam, Nghệ An” – anh Hải vui mừng chia sẻ.

 Lệ Hằng

Nguồn: khoahocphattrien.vn


Cần nhân rộng và phát triển giống Vịt bầu Cổ Lũng

Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là Vịt Bầu có màu lông cánh sẻ, xương nhỏ, cổ rụt, chân nhỏ lùn. Giống vịt này chỉ ăn lúa, cua, ốc, rong rêu bên suối nên thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm. Dù có nhiều ưu điểm tốt, song vịt Cổ Lũng hiện đang bị lai tạp với nhiều giống vịt khác. Do đó, để khôi phục và phát triển giống vịt quý này, năm 2016 tại xã Tân Bình, Trạm khuyến nông huyện đã triển khai Dự án Phục hồi và phát triển giống vịt Cổ Lũng cho 10 hộ tại hai thôn Mai Thắng và thôn Tân Thành xã Tân Bình với 700 con. Sau 2 năm triển khai thực hiện, số Vịt bầu được cấp về cho các hộ dân ở Tân Bình vẫn được bà con duy trì phát triển tổng đàn.  


 Đến thăm gia đình bác Vi Văn Sin thôn Mai Thắng xã Tân Bình là một trong những hộ được thụ hưởng từ dự án, với 70 con vịt Bầu Cổ Lũng, đến nay ngoài số lượng vịt trống gia đình bác vẫn duy trì được tổng đàn với trên 40 con vịt mái đẻ trứng. số trứng vịt ngoài việc cung cấp thức ăn hàng ngày, gia đình bác còn ấp để cấp giống cho bà con hàng xóm  và duy trì tổng đàn.

 Cũng như gia đình bác Vi Văn Sin gia đình anh Cường thôn Mai Thắng cũng là một trong những hộ duy trì và phát triển tốt đàn  vịt bầu cổ Lũng. Với 70 con, hiện gia đình anh vẫn duy trì được trên 20 con vịt mái đẻ trứng, số trứng đẻ ra gia đình anh tiếp tục cho ấp và nhân rộng mô hình với trên 60 con vịt con. Với dự định lứa Vịt con sinh trưởng tốt anh sẽ thay thế lứa vịt mái cũ để nhân tổng đàn. Từ sự thành côngbước đầu của dự án Vịt Bầu Cổ ũng ở Tân Bình không chỉ góp phần bảo tồn giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt mà nó còn mở ra hướng phát triển chăn nuôi vịt chất lượng cao, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân. 

 Hiệu quả bước đầu từ sự thành công của việc lưu giữ giống Vịt bầu Cổ Lũng, xã Tân Bình tiếp tục chỉ đạo bà con nhân dân nhân rộng ra nhiều hộ trong xã, đồng thời tập trung nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học vừa bảo tồn, vừa phát triển. Về đầu ra, hiện cung vẫn chưa đủ cầu, nhưng về lâu dài xã sẽ liên kết với các thương lái, nhà hàng trên địa bàn và các huyện lân cận để tiêu thụ, từng bước giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân./.

Nguồn: http://nhuxuan.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2018-4-11/Can-nhan-rong-va-phat-trien-giong-Vit-bau-Co-Lung33in0k.aspx  (Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện)

 
Xem thêm

Điểm tin

Cần xem