Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Vịt Cổ Lũng - Bá Thước

Vịt Cổ Lũng có đặc điểm cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc... 
 Ông cha xưa đã định danh: “Chim gà, cá nhệch”. Ngon nhất của loài chim là gà, ngon nhất loài cá là nhệch- định danh chắc như đinh đóng cột mà không hay rằng con vịt cùng anh em họ hàng với gà luôn tỵ nạnh, thèm muốn một lần đổi ngôi. Ghen tỵ có lý khi thiên hạ bỏ cả tiền chục, bạc trăm để được ăn vịt quay Bắc Kinh, vịt nướng Vân Đình, vịt quay Trạc Nhật, cháo vịt cỏ Hà Trung. Ấy là chưa nói tới việc vượt đèo cao vực thẳm, sông sâu lên chòm trên bản xa của Bá Thước để ăn thịt vịt Cổ Lũng. Chốn sơn lâm độc đáo vẫn “ Hữu khách tầm” là lời cổ nhân- lời mới tân nhân khi đã giao thương hòa nhập, miền núi như Bá Thước đâu còn là xa ngái khi đường đã rải thảm xe chạy bon bon, lại có bạn hiền và lời mời của thiếu nữ sơn cước. Bỏ sao đành! Cổ Lũng là một xã thuộc khu Quốc Thành huyện Bá Thước- một huyện vùng cao Miền Tây Thanh Hóa. Vịt Cổ Lũng là giống vịt quý hiếm, con giống di truyền có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển. Hiện Vịt Cổ Lũng được nuôi nhiều ở Lũng Cao, Cổ Lũng và Lũng Niêm và là loại được ưa dùng, không cần loa đài ầm ĩ, chẳng biết đến quảng cáo truyền thông vẫn có rất nhiều khách hàng đánh giá là loại có chất lượng thịt ngon nhất, hấp dẫn, khó bỏ hiếm tìm, đến nỗi các xã cận kề như Thành Sơn, Thành Lâm cũng nuôi nhưng không được nhiều.
Vịt Cổ Lũng có đặc điểm cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc, ưa môi trường sạch, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, có khả năng kháng bệnh tốt, xương nhỏ, thịt nhiều nạc, thơm ngon khó loại vịt nào ở đâu sánh bằng. Vịt Cổ Lũng được tiếng thơm ngon, không ngậy và hôi như các loài vịt được nuôi ở các vùng khác, một lý do quyết định là cách thức chăn nuôi đặc biệt, vịt được thả tự nhiên chứ không nuôi nhốt. Dân bản địa nói vui là kiểu : “Trời nuôi”. Vịt chủ yếu được chăn nuôi ở dòng suối Nũa. Dòng suối trong xanh chảy xuyên qua núi từ Mai Châu Hòa Bình sang Kịt Toong Hoong của Bá Thước, chảy vòng vèo qua các xã Lũng Cao, Lũng Niêm và Cổ Lũng. Con suối này nước vừa trong lại chảy xuôi liên tục và rất nhiều ốc cũng như các loại vi sinh, loài vịt Cổ Lũng thường bơi ngược dòng để đón cá con, bắt ốc nên thịt nhiều nạc lại săn chắc, thơm ngon vị thanh khiết. Con vịt nếu “đói lòng” muốn đổi vị có ăn thêm cũng chỉ ăn thức ăn phụ phẩm của họ làm ra như lúa, ngô, sắn chứ không ăn thức ăn công nghiệp. Đã là giống vịt thuần chủng lại được bà con chăm chắm giữ gìn nên vịt Cổ Lũng mãi giữ được tiếng thơm ngon hấp dẫn. Vịt Cổ Lũng có tiếng còn do cách chế biến của đồng bào nơi đây. Vịt được chọn thết khách là vịt tơ, thân mỡ màu. Bà con không cắt tiết mà đập đầu cho vịt chết nhanh rồi làm lông bằng nước nóng. Con vịt ngon ngay khi làm lông đã biết một phần, bởi khi làm lông vịt rất dễ nhổ, da khô bóng, mình căng tròn. Trước khi mổ được đem rửa bằng nước muối ấm có pha gừng cho kỳ sạch. Đem treo cho kỳ khô mới đem quay. Món vịt quay có hạng mang hương vị riêng hấp dẫn là nhờ bà con sau khi mổ moi ruột đã nhồi đầy bụng vịt thứ lá và quả mắc mật tươi và các gia vị muối, đường, ngũ vị hương rồi khâu kỹ lại đem nướng trên lửa than hoa đỏ rực. Con vịt nướng xoay tròn đều nhờ thanh trúc khéo léo xuyên dọc thân. Hương và vị lá mắc mật theo thời gian ngấm đều vào từng thớ thịt, từ trong ra ngoài, dậy hương, nức mũi. Thịt vịt chín da nâu đỏ mờ màu, thịt ngọt lịm, ý vị nhất là mùi thơm quyến rũ riêng có của hương mắc mật. Thật khó kìm được nỗi khát thèm khi mùi vịt nướng tỏa thơm. Thứ muối chấm được bà con khéo léo nêm từ gan vịt nghiền nhỏ cộng muối và hạt mắc khén đã được giã nhỏ. Ai dám bảo rằng kém vịt quay Bắc Kinh. Nếu thấy đã đời cũng đừng vì Vịt Cổ Lũng mà phụ vịt nơi khác như kẻ có cơm ngon phụ ngô khoai. 
Hồng Nhật 
Nguồn: http://toquoc.vn/vit-co-lung-ba-thuoc-99128816.htm

Đăng nhận xét